Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Hành lang Kinh tế Đông- Tây , từ kết nối giao thông đến thành công kinh tế

Hành lang Kinh tế Đông- Tây , từ kết nối giao thông đến thành công kinh tế


(QT) - Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC - East West Economic Corridor) là một trong những dự án hợp tác phát triển trụ cột trong Tiểu vùng Mê kông mở rộng (GMS) do ADB và Nhật Bản khởi xướng, đã được thảo luận và thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng các quốc gia GMS (Việt Nam, Myanmar, Lào và Thái Lan) lần thứ 8 tổ chức tại Philippines tháng 10/1998 và được Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 chính thức đưa vào Chương trình hành động Hà Nội tháng 12/1998.

Hành lang Kinh tế Đông- Tây dài 1.450 km, đi qua 4 nước, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine (Myanmar) đến cặp cửa khẩu Myawaddy (Myanmar) - Mae Sot (Thái Lan), chạy qua 7 tỉnh Tak, Sukhothai, Kalasin, Phitsanulok, Khon Kaen, Yasothon và Mukdahan ở Thái Lan và qua tỉnh Savanakhet của Lào đến cặp cửa khẩu quốc tế Dansavanh (Lào)- Lao Bảo (Việt Nam) và qua các tỉnh thành Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Đây là sáng kiến của Nhật Bản phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhằm thúc đẩy hội nhập và liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư và xoá đói giảm nghèo trong lưu vực sông Mê kông.



Đường dẫn vào cầu Hữu Nghị 2 phía Savanakhet, Lào


EWEC là một liên vùng địa lý rộng lớn, nằm dọc tuyến đường bộ chạy qua 13 tỉnh của 4 nước thuộc Tiểu vùng sông Mê kông mở rộng là Việt Nam (3 tỉnh), Lào (1 tỉnh), Thái Lan (7 tỉnh) và Myanmar (2 tỉnh), nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, có chiều dài 1.450 km. Đây là một vùng có tiềm năng phát triển. Miền Trung Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, nằm giữa trục giao thông Bắc - Nam, là cửa ngõ hành lang đường bộ xuyên quốc gia và cửa ngõ tiến ra biển, có điều kiện phong phú để phát triển du lịch. Trung và Hạ Lào có tiềm năng về đất lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản. Các tỉnh Đông Bắc Thái Lan và của Myanmar có tiềm năng lớn về nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng.

Sự ra đời của Hành lang Kinh tế Đông- Tây sẽ đem lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho các quốc gia thành viên. Đây là cơ hội cho các quốc gia tiếp cận tốt hơn các nguồn tài nguyên khoáng sản, hải sản và năng lượng phục vụ cho các ngành sản xuất và chế biến; tạo điều kiện phát triển cho các thành phố, thị trấn nhỏ dọc hành lang đồng thời thúc đẩy thương mại xuyên biên giới; thu hút đầu tư từ các nguồn địa phương, khu vực và thế giới; phát triển các hoạt động kinh tế mới thông qua việc sử dụng hiệu quả không gian kinh tế và hình thành khu vực kinh tế xuyên quốc gia; mở cửa cho hàng hoá của Lào, Thái Lan và Trung Quốc thâm nhập vào các thị trường đầy tiềm năng của Nam Á, Đông Á, Châu Âu và Châu Mỹ.

Ngoài ra hành lang còn là môi trường để thử nghiệm các chính sách kinh tế mới, đặc biệt là ở Myanmar, Việt Nam và Lào. Hành lang Kinh tế Đông- Tây cũng đã mở ra những cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực cho các địa phương thành viên.

Hành lang Kinh tế Đông-Tây có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đây là khu vực đa sắc tộc, có các nền văn hóa đa dạng, phong phú, có nhiều danh thắng, di tích lịch sử nổi tiếng đã được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, hiện nay chủ yếu vẫn là du lịch đường không, chỉ có tuyến du lịch đường bộ Thái - Lào - Việt Nam là tương đối phát triển.

Hành lang Kinh tế Đông- Tây trên lãnh thổ Việt Nam bắt đầu từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo qua Đông Hà (Quảng Trị) và kết thúc tại cảng Tiên Sa - Đà Nẵng. Các công trình hạ tầng cơ sở trên tuyến hành lang này gồm Quốc lộ 9, hầm Hải Vân, cảng Tiên Sa - Đà Nẵng. Dự án nâng cấp Quốc lộ 9 có tổng chiều dài 83,5 km với tổng mức đầu tư là 25 triệu USD sử dụng vốn vay ADB. Trạm kiểm soát liên ngành tại Lao Bảo – Dansavanh (Lào) đã hoàn thành vào đầu năm 2006. Dự án xây dựng hầm Hải Vân sử dụng vốn vay JBIC và khánh thành tháng 6/2005. Dự án xây dựng cảng Tiên Sa - Đà Nẵng và cầu Tuyên Sơn đã hoàn thành tháng 2/2004 với công suất giai đoạn 1 (1999 - 2004) là 2,5 triệu tấn/năm và giai đoạn 2 (2004 - 2010) 4 triệu tấn/năm.

Thái Lan hỗ trợ Myanmar nâng cấp tuyến đường bộ từ cảng Mawlamyine đến biên giới Thái - Myanmar. Nhật Bản hỗ trợ Lào nâng cấp sân bay Savanakhet để trở thành sân bay quốc tế. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Nhật Bản, cây cầu hữu nghị qua sông Mê kông nối Mukdahan (Thái Lan) và Dansavanh (Lào) đã hoàn thành cuối năm 2006, nối thông toàn bộ tuyến Hành lang Kinh tế Đông- Tây. Với việc hoàn thành cây cầu này, hạ tầng giao thông EWEC cơ bản đã hoàn thành, đưa EWEC trở thành hành lang kinh tế đi vào hoạt động sớm nhất trong GMS.

Về đơn giản hóa thủ tục hải quan, triển khai Hiệp định tạo thuận lợi cho vận chuyển người và hàng hoá qua lại biên giới các nước Tiểu vùng Mê kông mở rộng (Hiệp định GMS), Việt Nam và Lào đã ký MOU về áp dụng mô hình kiểm tra một cửa - một điểm dừng tại cặp cửa khẩu Lao Bảo- Dansavanh (tháng 3/2005) và bắt đầu thực hiện vào ngày 30/6/2005. Hiện nay, Việt Nam và Lào đã tổ chức triển khai giai đoạn 2 của mô hình kiểm tra một cửa, một lần tại cặp cửa khẩu này. Về giao thông đường bộ, hàng năm mỗi nước cấp phép cho 500 xe vận tải (hàng hoặc hành khách) chạy qua các nước dọc theo Hành lang Kinh tế Đông- Tây. Đối với xe du lịch, hiện tại Việt Nam, Lào và Thái Lan đã ký Hiệp định 3 bên về phương tiện vận tải qua lại… trong đó các xe du lịch từ Việt Nam sẽ được phép chạy qua Lào, Thái Lan và ngược lại.

Tại Hội nghị Cấp cao VI - Hà Nội từ 15 đến 16/ 12/ 1998, các nhà lãnh đạo của ASEAN đã thông qua kiến nghị của Việt Nam như là sáng kiến chung của ASEAN về phát triển liên vùng nghèo dọc Hành lang Kinh tế Đông - Tây nhằm phát huy lợi thế của liên vùng để góp phần xoá đói giảm nghèo, giảm bớt sự chênh lệch về phát triển với các vùng khác, đưa liên vùng trở thành một cửa ngõ phát triển của tiểu vùng Mê kông mở rộng, góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế giữa các nước ASEAN với nhau và với các nước ngoài khu vực.

Phạm vi của EWEC bao gồm 48 tỉnh thuộc liên vùng nghèo dọc Hàng lang Đông-Tây (Đông Bắc Thái Lan, Đông Bắc Campuchia, Trung và Hạ Lào, miền Trung Việt Nam). Mục tiêu hợp tác là tập trung đẩy nhanh xoá đói giảm nghèo, giảm bớt sự chênh lệch về phát triển giữa các vùng thuộc Tiểu vùng Mê kông; phát huy lợi thế so sánh của liên vùng về nguồn lao động, tài nguyên, điều kiện thiên nhiên, địa lý... vì sự phát triển chung của cả khu vực; đưa liên vùng trở thành một cửa ngõ phát triển của Tiểu vùng Mê kông mở rộng và thông qua việc đẩy mạnh tự do hoá và thuận lợi hoá về kinh tế, giao lưu văn hoá... góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế và hội nhập toàn diện giữa các nước ASEAN với nhau và giữa ASEAN với các nước ngoài khu vực. Nội dung hợp tác của EWEC tập trung vào các lĩnh vực: Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông; Đầu tư khai thác và sử dụng tài nguyên; Thương mại và dịch vụ; Du lịch - hợp tác lao động - giao lưu văn hoá; Môi trường - xã hội...

Để tạo sự liên kết trên Hành lang kinh tế Đông- Tây bền vững và hiệu quả, tỉnh Quảng Trị đã đặc biệt chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng GTVT. Hiện trên 32% tổng số chiều dài đường giao thông nông thôn của tỉnh được kiên cố hóa; đường ô tô đã về đến trung tâm của hầu khắp các xã, thị trấn. Cầu Cửa Tùng, Cửa Việt...đã thông xe, nối thông thương các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, mở ra cơ hội thuận lợi để hòa vào các điểm nối giao thông trên Hành lang Kinh tế Đông- Tây qua đường xuyên Á, Quốc lộ 1, Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh, cảng Cửa Việt và trong tương lai là cảng biển Mỹ Thuỷ.

Trong lộ trình từ nay đến năm 2020, tỉnh Quảng Trị sẽ cơ bản hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hướng mạnh vào khai thác lợi thế trên Hành lang Kinh tế Đông- Tây, trong đó có quy hoạch tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo nối với tuyến đường bộ cao tốc Bắc- Nam. Tiếp tục nâng cấp Quốc lộ 9 đoạn từ Quốc lộ 1A về cảng Cửa Việt, nâng cấp cảng Cửa Việt, đảm bảo cho tàu có trọng tải 3.000-5.000 DWT vào ra thuận lợi. Hoàn thành giai đoạn 1 tuyến đường nối Quốc lộ 1A về đến cảng Mỹ Thủy, xây dựng cảng Mỹ Thủy để có thể đón tàu từ 40.000-50.000 DWT. Xây dựng giai đoạn 2 tuyến nối Quốc lộ 1A với đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan. Nghiên cứu đề xuất xây dựng tuyến đường sắt cận cao tốc Lao Bảo - Mỹ Thủy trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông- Tây...

Để biến EWEC từ kết nối giao thông đến thành công kinh tế nhằm khai thác tốt nhất những tiềm năng, lợi thế của các địa phương và khu vực, cần thành lập sớm và đưa vào vận hành một cơ chế phối hợp quản lý, tăng cường sự trao đổi hàng hóa, phương tiện vận tải giữa các nước, thống nhất các thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu theo hướng một cửa, một điểm dừng, đơn giản, nhanh chóng, tiện lợi, hiệu quả...Đó là điểm mấu chốt tận dụng tối đa sự thuận lợi do hệ thống đường bộ trên toàn tuyến mang lại, thúc đẩy mạnh hơn nữa sự giao lưu, hợp tác, phát triển kinh tế và hội nhập toàn diện trên Hành lang Kinh tế Đông- Tây.

Bài, ảnh: ĐÀO TÂM THANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét