Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo: "Đô thị vàng" nơi đầu cầu xuyên Á


Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo: "Đô thị vàng" nơi đầu cầu xuyên Á

Ngày cập nhật: 09/07/2013 12:15:58 CH
(QT) - Trong những năm 1998 trở về trước, địa bàn Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt (KT-TM ĐB) Lao Bảo là một khu vực miền núi rất khó khăn thuộc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội chưa có gì; người dân chưa có nước sạch; thiếu điện sinh hoạt; giao thông cách trở; kinh tế thuần nông, tự cung tự cấp... Trong thời gian này, cơ cấu kinh tế của huyện Hướng Hóa mất cân đối, nông nghiệp là chủ yếu, công nghiệp xây dựng, thương mại dịch vụ đã có nhưng tỷ trọng không đáng kể.

Trong giai đoạn từ năm 1998 đến nay, nhờ chính sách ưu đãi cộng với sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Quảng Trị đã tập trung đầu tư xây dựng Khu KT-TM ĐB Lao Bảo với diện tích tự nhiên trên 15.000 ha, kéo dài 25 km dọc theo Quốc lọ 9, bắt đầu từ Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (cổng A) đến hết xã Tân Hợp (cổng B), dân số toàn khu vực vào khoảng 4,5 vạn người (thống kê năm 2012). Khu KT-TMĐB Lao Bảo được đầu tư phát triển khá đồng bộ, từ việc triển khai công tác quy hoạch, từng bước tạo dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đến việc hoàn thiện cơ chế chính sách, thu hút được một số lượng lớn doanh nghiệp, dự án đầu tư và hộ kinh doanh vào tham gia hoạt động. Đây là những kết quả rất quan trọng, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thứ đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của huyện Hướng Hóa và có tác động lan tỏa đến các khu vực thuộc các tỉnh, thành phố khác trong và ngoài nước, được tỉnh đánh giá là vùng động lực của tỉnh. 

Trung tâm thương mại Lao Bảo

Đến nay tại Khu KT-TM ĐB Lao Bảo có hơn 400 doanh nghiệp đăng ký hoạt động; 57 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký 3.670 tỷ đồng, trên diện tích đất thuê là 263 ha. Trong số này có 34 dự án đã thực hiện, đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư là 2.744 tỷ đồng, diện tích thuê đất 150 ha, có 4 dự án đầu tư 100% vốn nước ngoài với tổng mức đầu tư 17,7 triệu USD gồm 2 dự án đến từ Thái Lan và 2 dự án đến từ Trung Quốc. Có 3 dự án đang triển khai xây dựng nhà máy với tổng mức 225 tỷ đồng, diện tích thuê đất tren 80 ha. 15 dự án đã dược cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đang trong giai đoạn lập các thủ tục xây dựng và thuê đất 21,7 ha với tổng mức đầu tư dự kiến 588,3 tỷ đồng. Có 5 dự án đang làm thủ tục đầu tư với số vốn đăng ký 111,6 tỷ đồng, diện tích thuê đất 4,5 ha. Ngoài các dự án đầu tư trên, đến nay có 331 phương án kinh doanh thương mại, dịch vụ được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 935,44 tỷ đồng; trên 2.600 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động.

Với hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng miễn thuế, khách sạn, nhà hàng, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, vận tải... đã đầu tư và đi vào hoạt động làm cho hoạt động thương mại và dịch vụ (TM DV) trên địa bàn là lĩnh vực có lợi thế phát triển, hiện có tỷ trọng bằng 65% tổng giá trị sản xuất (GTSX) các ngành. TM DV phát triển cả về số lượng, quy mô, chất lượng cũng như các loại hình kinh doanh, làm cho môi trường kinh doanh tại khu vực này ngày càng sôi động, thể hiện rõ là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ tới thị trường trong tỉnh, cả nước và một số nước trong khu vực.

Hoạt động sản xuất công nghiệp tại khu vực cũng đang có bước phát triển khá sôi động. Đã có hàng chục nhà máy, xí nghiệp đi vào hoạt đọng trên nhiều lĩnh vực như sản xuất nước tăng lực, săm lốp xe đạp, xe máy, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản xuất khẩu...Tổng GTSX công nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn đạt gần 1.500 tỷ đồng (năm 2012), chiếm gần 40% GTSX công nghiệp của tỉnh.

Trong vòng 12 năm qua, hoạt động của Khu KT-TM ĐB Lao Bảo và sự thông thương trên Hành lang kinh tế Đông- Tây đã kích cầu số thu qua cửa khẩu và qua cổng B với giá trị trên 2.596 tỷ đồng từ các khoản thu thuế xuất nhập khẩu, thuế Giá trị gia tăng, phí và một số khoản thu khác. Trong đó chỉ tính riêng số thu qua cổng B được xem như số thu tạo lập trên địa bàn Khu KT-TM ĐB Lao Bảo đạt 335 tỷ đồng, bằng 53% tổng số vốn ngân sách nhà nước (NSNN) đã đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT) cho khu vực qua gần 15 năm (NSNN đã đầu tư 629 tỷ đồng). Từ đó cho thấy hiệu quả kinh tế của Khu KT-TM ĐB Lao Bảo đang ngày càng được khẳng định. Bên cạnh đó, trong tổng số 57 dự án đầu tư đã đăng ký, có 34 dự án đã đi vào hoạt động với số vốn đã thực hiên đạt 2.744 tỷ đồng, gấp gần 5 lần số vốn NSNN đã đầu tư và gấp hơn 2 lần so với tổng số vốn đầu tư vào hệ thống CSHT từ các nguồn đã thực hiện tại Khu KT-TM ĐB Lao Bảo. Mặc dù đa số các doanh nghiệp và các dự án đầu tư đang trong thời gian được miễn giảm các loại thuế nhưng với 400 doanh nghiệp, 34 dự án đầu tư đang hoạt động, nguồn thu từ nội khu về nội địa cũng dần ổn định, từ năm 2007 đến nay đóng góp vào NSNN mỗi năm bình quân 40 tỷ đồng, trong đó thu từ doanh nghiệp trong nước chiếm 70%, doanh nghiệp nước ngoài 30%. 

Sản xuất săm lốp tại Lao Bảo

Thời kỳ 2006-2010 và những năm gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), xuất nhập cảnh (XNC) qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và từ nội địa vào Khu KT-TM ĐB Lao Bảo có sự tăng trưởng mạnh. Tổng kim ngạch XNK qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo giai đoạn 2006-2010 tăng gấp 3,5 lần; lượt khách XNC tăng gấp 7 lần so với thời kỳ giai đoạn 2001- 2005.

Các dự án đầu tư và phương án kinh doanh dịch vụ đã giải quyết việc làm cho gần 3.500 lao động trực tiếp, chủ yếu là cư dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa và gần 500 lao động gián tiếp khác tại các chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý của các doanh nghiệp Khu KT-TM ĐB Lao Bảo ở trong và ngoài nước. Điều quan trọng là trước cơ hội việc làm, thay bằng việc cho con em tham gia gùi cõng hàng hóa trái phép, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu để kiếm kế sinh nhai như trước đây, nay cư dân trong khu vực đã có ý thức động viên con em mình chăm chỉ học tập, mạnh dạn rời bỏ những thành phố lớn sau khi tốt nghiệp để trở về tìm cơ hội việc làm trong các nhà máy, xí nghiệp ngay tại quê nhà. Cùng với việc giải quyết việc làm, hoạt động của các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng miễn thuế, việc đầu tư nâng cấp các chợ biên giới đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong những năm qua theo hướng tăng dần tỷ trọng TMDV (đã chiếm 65%, theo quy hoạch sẽ chiếm 70% trong thời gian tới), thúc đẩy quá trình kinh doanh theo hướng văn minh thương mại, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên. Nhờ hoạt động hiệu quả của Khu KT-TM ĐB Lao Bảo, văn minh đô thị đã được xác lập ngày càng rõ nét, an ninh- quốc phòng ngày càng được đảm bảo, tình hình chính trị ổn định, thực trạng buôn lậu giảm hẳn. Cùng với sự phát triển của khu vực, quan hệ hữu nghị 2 tỉnh Quảng Trị (Việt Nam)- Savanakhet (Lào) và 2 khu thương mại Lao Bảo- Đensavẳn ngày càng thắt chặt.

Từ một vùng đất heo hút, nghèo khó, Lao Bảo đang dần trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, hành chính, giáo dục- đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu của huyện Hướng Hóa, là một “đô thị vàng” nơi đầu cầu xuyên Á trong quá trình hội nhập và phát triển.

                                              Bài, ảnh: ĐAN TÂM




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét