Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

LÀNG TÔI: Nông dân Triệu Phước chung tay vượt khó

LÀNG TÔI:  Nông dân Triệu Phước chung tay vượt khó


Nhiều gia đình ở vùng biển huyện Triệu Phong (Quảng Trị) có thu nhập cao nhờ nuôi tôm.
Bằng ý chí vượt khó thoát đói nghèo, từng bước vươn lên làm giàu, cán bộ, người dân vùng tôm xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) và nhiều vùng quê nghèo miền trung đang chung sức, chung lòng vượt qua thời kỳ khó khăn khi giá nhiều mặt hàng phục vụ sản xuất đều tăng cao.
Lao đao vùng đầm tôm
Từ cuối năm 2010 đến nay, do vật giá leo thang, giá cả nông sản biến động, bên cạnh đó đợt rét đậm, rét hại kéo dài đầu năm đã tác động khá rõ nét đến đời sống và gây không ít khó khăn cho nông dân nuôi tôm vùng cù lao nói riêng và nhiều thôn, làng khác trong xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Người dân bao năm qua dồn sức người, sức của mong muốn vươn lên khấm khá từ việc nuôi tôm, cung cấp cho thị trường rộng lớn các tỉnh miền trung và cả xuất khẩu. Ông Nguyễn Quang Lau, 60 tuổi, ở thôn Lưỡng Kim, là người đã nhiều năm nuôi tôm, cua cho biết: Hồi đầu năm, tôi đầu tư gần 54 triệu đồng thả ba tạ cua giống. Vậy mà công sức, tiền của đã... đổ sông vì rét đậm. Mấy vụ tôm gần đây, mọi chi phí từ các loại thức ăn cho tôm, cho cua, rồi men xử lý ô nhiễm lòng đáy đầm, đến chi phí xăng, dầu, điện bơm nước, quạt nước... đều tăng vùn vụt. Ðợt này, mùa cao điểm thúc tôm giai đoạn trưởng thành, có tháng mất tới cả chục triệu đồng cho tiền điện và tiền dầu chạy máy nổ... Bên cạnh đó, người dân ngày ngày còn nơm nớp lo con tôm nhiễm bệnh đốm trắng, nấm tau-ra, đầu vàng. Mới đây có hộ buộc phải gạt nước mắt hủy bỏ cả hai ha tôm vì phát hiện dịch...
Không chỉ nguy cơ dịch bệnh, việc nuôi tôm còn phụ thuộc nhiều vào giá thức ăn, con giống, thời tiết... Chủ tịch UBND xã Triệu Phước Nguyễn Văn Thanh nói thêm, ước tính mức tăng giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi, đặc biệt cho vùng đầm tôm, cua lên tới 30%, nhiều hộ nuôi tôm rơi vào cảnh lao đao, hụt vốn. Theo thống kê, dư nợ từ các ngân hàng đến hơn 4,5 tỷ đồng. Năm qua, do nuôi tôm khó khăn, nhiều lao động bỏ quê đi tìm việc khác, còn nhiều hộ cố bám đầm, buộc phải vay lãi suất cao, lại còn phải nợ tiền thức ăn cho tôm. Nói đến đây, Chủ tịch Nguyễn Văn Thanh bùi ngùi: Có đến hơn 20 hộ trước nuôi tôm quy mô lớn, nay phải bỏ hồ, hoặc nếu theo, cũng chỉ lay lắt, theo kiểu quảng canh được chăng hay chớ, chỉ đủ chi tiêu. Phía bên kia cầu Bắc Phước, ông Trần Văn Lạn, 57 tuổi, ở thôn Duy Xuyên từng đi đầu trong việc khai phá đầm tôm từ diện tích đất bãi bồi ven sông từ năm 2000. Thời đó, gia đình ông quyết định vay ngân hàng 900 triệu đồng xây dựng hệ thống đầm kiên cố. Do đầu tư lớn, lại chưa quan tâm yếu tố kỹ thuật, khi dịch bệnh xảy ra liên tiếp, gia đình ông Lạn rơi vào tình trạng trắng tay, nợ đầm đìa. Ðến nay ông vẫn còn nợ hàng trăm triệu đồng từ ngân hàng, mất khả năng thanh toán.
Chung tay vượt khó
Dọc tuyến quốc lộ 1A, đi qua địa phận các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình rồi về vùng nuôi tôm Triệu Phước, nông dân đang tất tả ra đồng gieo cấy lúa dưới nắng hè. Theo báo cáo của Hội Nông dân một số tỉnh, qua đánh giá ban đầu, vụ đông xuân năm nay người dân miền trung được mùa, năng suất lúa đạt mức cao so với những vụ mùa trước. Tuy nhiên, nhà nông 'được mùa mà vẫn chưa vui', bởi chi phí đầu vào như vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu... giá thành quá cao! Tại Hội nghị giao ban Hội Nông dân mười tỉnh khu vực miền trung và miền bắc vừa qua, lãnh đạo nhiều tỉnh phát biểu ý kiến cho rằng, trong tình hình kinh tế khó khăn, thiệt thòi nhất là những người có thu nhập thấp, nhất là người dân làm nông nghiệp miền quê nghèo. Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Tuyết Anh: Bà con làm nông vừa là người sản xuất hàng hóa, vừa là người tiêu dùng các sản phẩm 'đầu vào' phục vụ sản xuất đã bị ảnh hưởng từ việc giá cả tăng nhanh. Thời gian qua, giá hàng nông sản tăng chậm hơn so với giá hàng tiêu dùng, do vậy nông dân không được lợi nhiều.
Chúng tôi đến thăm gia đình nông dân Nguyễn Quang Lau, trong căn nhà ngói kiên cố bề thế ngay cạnh cánh đồng đang vào vụ cấy. Ông Lau là một trong những người đi đầu mạnh dạn đầu tư cải tạo vùng đất bãi, ruộng một vụ rộng 7,5 ha, xây dựng mô hình thí điểm nuôi tôm sú đầu tiên trên địa bàn huyện nghèo. Ông Lau kể: Từ năm 1994 đến nay, gia đình kết hợp bốn hộ khác làm hồ tôm sú. Có năm 'ông trời' thương rẻo đất miền trung, cho mưa thuận gió hòa, gia đình tôi thu được mỗi năm 12 tấn tôm thương phẩm. Trừ mọi khoản chi phí, còn lãi 500 triệu đồng! Mấy năm gần đây, giá cả thị trường bấp bênh, trừ chi phí thu hoạch đầm tôm mỗi năm lãi từ 150 đến 180 triệu đồng.
Tại vùng tôm của huyện Triệu Phong (Quảng Trị), bên cạnh lo vụ lúa mới, nắm bắt nhu cầu thị trường tiêu thụ ngày càng lớn, những hộ làm nông như gia đình ông Lau, ông Lạn ở xã Triệu Phước vẫn xoay xở bám đầm nuôi tôm. Dẫu biết rằng con đường làm ăn không dễ bề suôn sẻ. Nằm trong số những hộ 'bám trụ' vụ tôm trong năm, ông Lau chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm thành công.  Ðó là việc chú trọng yếu tố môi trường, đầu tư con giống, hồ nuôi, tăng cường các biện pháp kỹ thuật. Một trong những bí quyết là phải vệ sinh đầm thật kỹ, tìm nguồn tôm giống, cua giống có chất lượng và quy trình nuôi tôm khép kín, kỹ thuật đắp bờ làm sao để chủ động điều tiết nước. Mấy năm gần đây, gia đình ông Lau và nhiều hộ khác chủ động chuyển sang mô hình nuôi tôm thời gian nuôi ngắn ngày, ít dịch bệnh, đạt hiệu quả kinh tế, dù thời tiết khí hậu thất thường, thu nhập không bằng những năm trước, nhưng họ vẫn trụ được bằng nghề nuôi tôm.
Nhận định tình hình kinh tế trong năm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc kiểm soát lạm phát và vực dậy nền kinh tế nên bắt đầu từ khu vực kinh tế nông thôn. Ðối với những hộ nuôi trồng thuy, hải sản, tiếp cận nguồn vốn để tái đầu tư luôn là nỗi lo thường trực. Qua trao đổi ý kiến, nhiều cán bộ, hội viên nông dân rất hoan nghênh tinh thần của Nghị định 41/2010/NÐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn nhằm giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhanh hơn, nhiều hơn. Theo đó, cá nhân, hộ sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có thể được cho vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa đến 50 triệu đồng. Các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn được xem xét cho vay tối đa đến 200 triệu đồng. Ðối tượng hợp tác xã, chủ trang trại được xem xét cho vay đến 500 triệu đồng. Tuy vậy, lãnh đạo và người dân ở xã Triệu Phước bày tỏ: Thủ tục vay, cho vay còn qua nhiều khâu, nhiều bước, điều kiện ràng buộc chưa phù hợp, nên làm nản lòng người dân đang 'khát vốn' để đầu tư sản xuất phát triển vùng tôm...
Dù còn nhiều khó khăn, qua hơn 15 năm bám ruộng, bám đầm, ông Nguyễn Quang Lau  vẫn quyết tâm theo đuổi mô hình này. Bởi theo ông:  'Từ tôm, cua, vợ chồng tôi có điều kiện nâng cao cuộc sống, chăm lo con cái học hành. Mình làm thành công, sẽ giúp nhiều người khác xóa đói, giảm nghèo, phấn đấu vươn lên khấm khá'.

trích: http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_kinhte/_mobile_tintuc/item/17235302.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét