Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Địa chỉ cần giúp đỡ: 9 năm sống chung với bệnh máu trắng

Địa chỉ cần giúp đỡ: 9 năm sống chung với bệnh máu trắng

Ngày cập nhật: 11/10/2014 7:33:21 SA
(QT) - Cháu Trần Thái Đức, 9 tuổi, con thứ tư của anh Trần Thái Huy và chị Nguyễn Thị Hồng Loan, ở khu phố 1, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) có vóc dáng mập mạp, to khỏe hơn so với tuổi. Ít người biết rằng, vẻ bề ngoài ấy là do em thường xuyên uống thuốc chữa căn bệnh máu trắng nên thân hình luôn trong tình trạng béo phì. 
Mấy hôm nay đã đến kỳ đi bệnh viện, nhưng vì ba mẹ chưa xoay đủ tiền nên Đức vẫn ở nhà, dù một bên mắt đã bị bầm tím, toàn thân xuất hiện các cụm đốm đỏ như phát ban, dấu hiệu các mạch máu bị vỡ do số lượng tiểu cầu thấp. Chị Loan kể, phải đến năm Đức lên ba tuổi, một hôm cháu có tình trạng chảy máu cam không ngừng, nôn ra máu, gia đình hốt hoảng đưa đi bệnh viện mới bàng hoàng hay tin, cháu bị căn bệnh máu trắng.
 
Cháu Trần Thái Đức với những triệu chứng của căn bệnh máu trắng
*Mọi sự ủng hộ gia đình cháu Trần Thái Đức xin gửi đến Báo Quảng Trị- 311 - Hùng Vương - thành phố Đông Hà (ĐT: 053.3857.176) hoặc chuyển vào tài khoản: Báo Quảng Trị, số TK: 102010001236996 tại Ngân hàng CP Công thương Quảng Trị.
Ròng rã 6 năm nay, cậu bé trở thành bệnh nhân quen thuộc của Bệnh viện Trung ương Huế, mỗi tháng bình quân vào viện ba lần. Đợt nào khỏe khoắn thì tốn khoảng 1,5 triệu, có khi bệnh tình nặng thì phải nhập viện điều trị, truyền tiểu cầu để ngăn tình trạng chảy máu trầm trọng, chi phí lên đến 7-8 triệu đồng cho mỗi đợt. Dù việc học liên tục bị gián đoạn do thời gian đi bệnh viện điều trị, nhưng Đức vẫn luôn đạt được thành tích khá giỏi trong học tập.

Hoàn cảnh gia đình Đức cũng rất khó khăn. Anh Huy, chị Loan sinh liền 5 người con, trong đó cháu đầu Trần Thái Hoàng bị bại não từ nhỏ, 4 đứa sau đều đang tuổi ăn tuổi học. Anh Huy làm nghề tài xế, mỗi ngày kiếm được khoảng 150.000đ nếu có chuyến chạy, chị Loan mở một quán nước nhỏ ở vỉa hè với thu nhập bấp bênh. Ở nhà còn có mẹ già năm nay đã 85 tuổi, vừa trông nhà, vừa phụ bán quán bánh kẹo cho khách trong xóm.

Chị Loan bảo: “May là gia đình có sổ hộ nghèo nên tiền viện phí được giảm đi rất nhiều, nhưng để có tiền đi chữa bệnh cho con đều đặn hàng tháng, vợ chồng tôi cũng phải chạy vạy khắp nơi. Như đợt này, vì chưa kiếm đủ tiền nên phải hoãn lại thời gian đưa con đi viện, mắt cháu đã có dấu hiệu tụ máu bầm tím mà vẫn phải cố chịu”.

Điều người mẹ này lo sợ nhất là con bị trầy xước, chảy máu vì mỗi lần bị thương ở bất cứ đâu trên cơ thể Đức đều không thể tự cầm máu. Cháu cũng thường xuyên bị chảy máu cam không rõ nguyên nhân, chảy máu lợi ngay cả khi không có bệnh nướu răng. Chị cho chúng tôi xem một hộp to đựng giấy tờ đi viện của Đức trong 6 năm ròng, cười buồn: “Giấy tờ đi viện của cháu mà cất lại đầy đủ chắc phải mấy hộp như thế này. Nhiều lần, do không có tiền kịp đóng bảo hiểm thân thể ở trường nên giấy đi viện về cũng không thanh toán được bảo hiểm, đành chịu. Nhiều khi nhìn hoàn cảnh của mình mà muốn buông xuôi, nhưng không đành để con khổ sở vì bệnh tật, lại phải gắng”. Bà nội của Đức kể thêm rằng, số tiền vay mượn từ ngân hàng và bà con nội ngoại chưa trả được, vì căn bệnh của cháu mà cả gia đình chật vật, khó khăn chèo chống từng ngày. Ước mong lớn nhất của bà là mong có một phép màu cho cháu mình khỏe mạnh như những đứa trẻ bình thường khác...

                                                           Bài, ảnh: BẢO BÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét