Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Quảng Trị hôm nay (quangtri province now)

Quảng Trị hôm nay (quangtri province now)

08:35 | 01/01/2012
Chiến tranh đã lùi xa 40 năm. Quảng Trị Anh hùng từng “nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử” ngày nào, nay đã khoác trên mình một chiếc áo mới to đẹp hơn.

40 năm trước đây, chiến trường Trị -Thiên nói chung, Quảng Trị nói riêng được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chọn làm hướng tiến công chủ yếu trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Từ ngày 30.3 đến 2.5.1972, quân và dân ta mở chiến dịch tiến công giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Trên chiến trường trọng yếu này đã diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt nhất giữa quân và dân ta với đội quân xâm lược Mỹ và bọn tay sai. Sau hơn 1 tháng vượt qua mọi khó khăn gian khổ, ác liệt, hy sinh chiến đấu, quân và dân Quảng Trị đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, diệt và làm bị thương 14.350 tên địch, bắt 3.160 tên, thu và phá hủy 636 xe tăng, thiết giáp, 1.870 ô tô các loại, 419 khẩu pháo; bắn rơi, phá hỏng 340 máy bay và rất nhiều quân trang, quân dụng khác. Có thể nói thắng lợi to lớn trên mặt trận Quảng Trị là thắng lợi của ý chí quyết tâm sắt đá giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc của quân và dân ta. Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn Quảng Trị, một tỉnh mà Mỹ ngụy đã đổ không biết bao nhiêu công sức để xây dựng một hệ thống phòng thủ mạnh nhất Đông Nam Á.
Sau ngày hòa bình lập lại, Quảng Trị bắt tay vào kiến thiết xây dựng lại quê hương…
40 năm qua, đặc biệt trong 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, được sự giúp đỡ của Trung ương và cả nước, Quảng Trị đã không ngừng vươn lên trong phát triển KT- XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Từ 90% làng mạc bị tàn phá, nay diện mạo các vùng quê từ miền xuôi cho đến miền ngược đã có nhiều thay đổi. Ngược lên huyện miền núi Hướng Hóa, địa phương có hơn 50% số dân là người đồng bào dân tộc thiểu số mới thấy hết những đổi thay đến ngỡ ngàng. Với những chủ trương đúng đắn của tỉnh và huyện, người dân nơi đây đã biết khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đất đỏ ba zan để trồng hàng ngàn ha cà phê, sắn cao sản và chuối thương phẩm. 3 loại cây này đã cho nguồn thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện đã tập trung thu hút đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế làm ăn, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 500 tỷ đồng, doanh thu thương mại hơn 810 tỷ đồng. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân mấy năm trở lại đây đạt hơn 15,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 13,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13%... Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Nguyễn Ngọc Sắc cho biết: có được thành quả như hôm nay là do sau ngày đất nước thống nhất tỉnh đã có chủ trương đưa hàng ngàn hộ người Kinh ở vùng đồng bằng lên đây xây dựng vùng kinh tế mới và huyện đã làm tốt việc bố trí dân cư, nhiều nơi bố trí xen kẽ ở với đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, huyện đã sớm có Nghị quyết chuyên đề tập trung phát triển cây công nghiệp, nhờ vậy các dân tộc trên địa bàn đã đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau khai thác đất đai và lao động, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Năm 1998, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo được thành lập đã góp phần làm thay đổi diện mạo cả một vùng rộng lớn phía tây Quảng Trị giáp với nước bạn Lào…

Về với Gio Linh, một huyện nằm bên bờ sông Bến Hải, nơi người dân đã từng chứng kiến bao nỗi tang thương trong hơn 20 năm trời vĩ tuyến 17 làm ranh giới chia cắt 2 miền Nam - Bắc, chúng ta cũng không khỏi ngạc nhiên trước những đổi thay diệu kỳ của vùng đất từng được mệnh danh là vùng đất chết này. Ngay sau giải phóng, huyện đã nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh và sớm quy hoạch thành 3 vùng kinh tế phù hợp với tiềm năng địa phương. Những vùng đất hôm nào ở vùng gò đồi phía tây đầy rẫy đạn bom, chi chít hố pháo, nay đã phủ một màu xanh của cây trái. Đến nay, toàn vùng có gần 2.600ha cao su, hơn 500ha hồ tiêu. Ở vùng đồng bằng hình thành các vựa lúa 2 vụ cho năng suất cao, kết hợp chăn nuôi trâu, bò, nuôi cá nước ngọt, sản lượng lương thực hàng năm hơn 33.000 tấn. Huyện cũng đã khai thác thế mạnh nuôi trồng đánh bắt thủy, hải sản, toàn huyện hiện có gần 800 tàu thuyền các loại, chủ yếu là tàu đánh bắt xa bờ, tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng hàng năm trên 11.000 tấn. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chỉ còn hơn 11%, 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia, hơn 90% hộ được sử dụng nước sạch, 100% xã, thị trấn có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 9,5 triệu đồng/năm.
Không chỉ ở miền núi hay vùng đồng bằng, các xã ven biển tỉnh Quảng Trị ngay sau chiến tranh cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển KT - XH như: tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là cầu, đường giao thông, điện, đường, trường học, trạm y tế, các Khu neo đậu trú bão, cảng và các Khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Bên cạnh đó, tỉnh đã hỗ trợ vốn khuyến công, khuyến ngư, tạo điều kiện cho người dân vay vốn, cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ, du nhập nghề mới, xây dựng cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu, thuyền, mở các cơ sở dệt xăm lưới, chế biến thủy, hải sản. Đồng thời đẩy mạnh các dự án cải tạo vùng cát trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật theo hướng sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp, nhân rộng và xây dựng các làng sinh thái, gắn giãn dân ra vùng cát với các chương trình, dự án phát triển sản xuất, ngành nghề để các làng sinh thái trở thành các cụm dân cư ổn định và nâng cao đời sống cho người dân.

Về với đất lửa Quảng Trị hôm nay có thể nhận thấy, mảnh đất một thời bị bom cày, đạn xới, từng chịu nhiều mất mát đau thương trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc đã thực sự hồi sinh. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường cho biết: trong những năm qua, để hàn gắn vết thương sau chiến tranh, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đồng bộ. Cụ thể, đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, cầu, đường, phát triển các khu công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ. Cũng trong những năm qua, các ngành chức năng của tỉnh thường xuyên làm tốt công tác chăm lo các đối tượng chính sách, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, tỉnh còn chăm lo nâng cấp, xây dựng các Nghĩa trang Liệt sĩ; thường xuyên có các chính sách thực hiện an sinh xã hội, chăm lo và tạo điều kiện cho người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số… Nhờ đó, Quảng Trị đã đạt được nhiều thành tựu mới. Trong giai đoạn 2005 - 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Trị bình quân đạt hơn 10,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 16 triệu đồng. Ông Nguyễn Đứác Cường cũng tâm sự, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách phía trước, nhưng Quảng Trị đang phấn đấu sớm thoát khỏi nhóm tỉnh nghèo của cả nước. Trước mắt từ nay đến năm 2015, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 12 - 13%, tổng thu ngân sách năm 2015 đạt 1.700 - 1.800 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.550 - 1.600 USD, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 2,5 - 3%.
Bá Thuần
http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=82&NewsId=234317

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét