Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Sóng 3m cửa Tùng, Phó thủ tướng ra Quảng Trị chống bão

Sóng 3m cửa Tùng, Phó thủ tướng ra Quảng Trị chống bão

30/09/2013 11:09 (GMT + 7)
TTO - Trong suốt sáng 30-9, tại Quảng Trị gió bão đã tăng dần cùng với mưa to. Tại các vùng ven biển như Cửa Tùng, Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh) sóng biển ầm ập đổ vào bờ cao hơn 3 mét.
Đoạn qua bãi tắm cửa Tùng, sóng có lúc đã vượt đường ngang. Trong khi đó toàn huyện Vĩnh Linh đã mất điện từ buổi sáng; các cây xăng trên địa bàn đã đóng cửa hoàn toàn, khiến người dân hết sức khó khăn trong sinh hoạt. Hiện hầu như các nhà dân tại các vùng ven biển này đã đóng cửa hoặc di dời đến nơi an toàn. Chủ yêu còn lại lực lượng trực chiến. Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có xuất hiện không khí lạnh. Theo ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, yếu tố này có thể tác động đến sức công phá của cơn bão. Theo quan sát của phóng viên tại khu vực Cửa Tùng, càng về trưa, sức gió càng lớn và kèm theo mưa.
Hiện phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có mặt tại Quảng Trị để chỉ đạo công tác phòng chống.
Quảng Ngãi: 97 ngư dân ở Hoàng Sa rời khu vực nguy hiểm
Sáng nay (30-9), theo tin từ Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Quảng Ngãi, đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Ngãi còn 407 phương tiện với 4.741 ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động ở vùng đảo Trường Sa, vùng biển phía Nam và vùng biển tỉnh Quảng Ngãi. Số tàu thuyền này vẫn duy trì thông tin với đất liền để tìm nơi tránh trú bão.
Riêng 14 phương tiện với 97 lao động đang hoạt động tại vùng đảo Hoàng Sa đã ra khỏi khu vực ảnh hưởng của bão. Đến sáng nay, Quảng Ngãi đã kêu gọi được 3.571 phương tiện/17.219 lao động vào bờ tránh trú bão an toàn. 
             QUỐC NAM - VÕ MINH (báo tuổi trẻ)

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Cung điện trụ sở lộng lẫy” và “mái bạt trường em”

Cung điện trụ sở lộng lẫy” và “mái bạt trường em”

Thứ bảy, 21/09/2013, 11:18 (GMT+7)
Câu nói của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước về những “trụ sở được xây dựng lộng lẫy như cung điện” khi cho ý kiến về Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chiều 19-9 đã chạm tới một sự thật ai cũng thấy, ai cũng biết.
Nhưng đây là lần đầu tiên hình ảnh này được nói ra cụ thể và thẳng thắn bởi một cán bộ cao cấp tại một cuộc họp quan trọng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội!
Trụ sở của một thị xã đã lớn như thế này, vậy của tỉnh sẽ hoành tráng như thế nào?
Trụ sở làm việc của cơ quan công quyền cần được xây dựng đàng hoàng nhưng không phô trương, uy nghiêm nhưng không quá xa cách với dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít công trình trụ sở cơ quan công quyền ở nước ta, từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh…(chứ không riêng gì các trụ sở cấp tỉnh như ông Ksor Phước nhắc đến) đều mắc một căn bệnh trầm kha là quá chuộng sự phô phang hình thức.
Trụ sở UBND Quận Hoàng Mai đã lớn và lộng lẫy như thế này, vậy trụ sở tỉnh, thành phố thì sẽ lớn đến đâu...?
Rồi cùng với thời gian, những trụ sở được xây dựng về sau lại càng to hơn, hoành tráng hơn từ quy mô hình khối cũng như diện tích đất đai và vì thế, nơi dành để phục vụ nhân dân ấy dường như càng cách biệt với cuộc sống của người dân!
Vào những ngày mưa và mùa đông, những phòng học bằng tre nứa này không thể ngăn nổi mưa và gió lạnh mùa đông

Chưa có một thống kê chính xác rằng có bao nhiêu trụ sở trên đất nước này đã được xây dựng đồ sộ quá mức cần thiết, nhưng một điều có thể biết chính xác là tất cả những công sở – trụ sở này đều được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Tiền của Nhà nước là từ tiền thuế của dân, nhưng khi xây những trụ sở này để phục vụ nhân dân, người ta quên mất điều quan trọng ấy.
Những lớp học được che chắn tạm bợ bằng những tấm phên nứa
Những trụ sở hoành tráng hay đến mức “lộng lẫy, xa hoa như cung điện” như lời ông Ksor Phước nói chính là biểu hiện cụ thể của “chủ nghĩa hình thức cơ chế trong kiến trúc” như cách nói của GS.TS Hoàng Đạo Kính. Với người dân, trước những trụ sở “đồ sộ quá mức cần thiết, xa hoa lộng lẫy” có khiến cho bước chân của họ trở nên e dè, ngần ngại khi vào nơi mà lẽ ra được xây dựng để phục vụ chính họ không?
Lớp học bằng tre, tôn, lá của Trường Ba Xa, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) - Ảnh: V.Hùng
Đâu chỉ là chuyện “trụ sở như cung điện” như ông Ksor Phước nói ra! Còn bao nhiêu chuyện khác về những chiếc xe công siêu sang vượt quá tiêu chuẩn mà nhiều cán bộ đang đi, những sân tennis sáng đèn dành cho cán bộ ở những huyện nghèo vùng sâu miệt vườn, những cuộc “tham quan học hỏi ở nước ngoài” mà thực chất là những chuyến du lịch trá hình bằng tiền ngân sách nhà nước…
Còn lớp mẫu giáo nhỡ ở xã Đồng Khê (Văn Chấn, Yên Bái) được xây bằng tre và trát bằng bùn thay cho gạch và xi măng. Cơ sở vật chất còn quá nhiều thiếu thốn. Chỉ cần một trận mưa to là tường có thể bị ẩm và dột.
Nhìn hình ảnh những trụ sở – công sở nguy nga ấy, không biết người ta có nhớ đến những ngôi trường tạm bợ, cột tre, phên nứa và mái lợp bằng tấm bạt nhựa vẫn còn rất nhiều nơi rẻo cao biên ải? Có nhớ tới những túp lều trọ học chênh vênh bên những bờ suối, triền đồi? Có nhớ tới những đứa trẻ phải dùng cặp sách làm phao bơi qua sông đi học, đánh đổi mạng sống của mình chỉ vì thiếu một cây cầu nhỏ?
Nhìn vách lớp học bằng tre, nứa ghép lại, ngay giữa mùa hè mà ai cũng cảm thấy xót thương cho các em khi mùa đông về
Chính vì thế, câu hỏi của ông Ksor Phước: “Dân ta đang nghèo như vậy, xây trụ sở hoành tráng để làm gì?” không chỉ là một câu hỏi, đó là điều cần được giải quyết bằng những bài toán rạch ròi và minh bạch về tiêu chuẩn diện tích làm việc, về tiêu chuẩn tiện nghi, về số tiền đã lãng phí và cần công khai cho người dân – những người đóng thuế để xây dựng lên những “trụ sở cung điện” ấy được biết. Chắc chắn không một ai muốn rằng sau câu nói thẳng thắn ấy, mọi chuyện vẫn đâu vào đó để rồi những “cung điện” cứ tiếp tục mọc lên trong khi không thiếu những mái trường qua mỗi mùa mưa nắng lại xơ xác hơn, ọp ẹp hơn đến đau lòng!
(Tuổi Trẻ)